Đánh giá Cao Ngao Tào

Làm người cục cằn, giết người ngang nhiên

Cao Ngao Tào làm người hào hiệp nhưng cục cằn. Khi cùng với Hành đài Nhâm Tường, Ngự sử trung úy Lưu Quý, Dự Châu thứ sử Nghiêu Hùng, Ký Châu thứ sử Vạn Sĩ Lạc luyện binh ở Bắc Dự Châu, Cao Ngao Tào và Bắc Dự Châu thứ sử Trịnh Nghiêm Tổ chơi Ác sóc [14], Lưu Quý phái người triệu Trịnh Nghiêm Tổ bàn việc, Ngao Tào không để Trịnh đi, còn dùng gông để cùm sứ giả lại, sứ giả nói: "Cùm thì dễ, mở thì khó đấy." Ông nghe được lời ấy, liền rút đao chặt phăng đầu sứ giả, nói: "Có gì khó đâu!" Lưu Quý không dám làm gì ông.

Một ngày khác, Lưu Quý và Cao Ngao Tào ngồi với nhau, có người đến báo Hoàng Hà nổi sóng, rất nhiều dân công chết đuối. Lưu Quý vốn là người Tiên Ti, nói: "Bọn người Hán ấy đáng mấy đồng, mặc cho chúng chết." Cao Ngao Tào nghe vậy thì nổi giận, rút đao nhắm vào Lưu Quý mà chém, Lưu Quý ôm đầu chạy về quân doanh của mình. Ông lập tức hạ lệnh đánh trống tập hợp quân đội, chuẩn bị tấn công Lưu Quý. May được chư tướng là bọn Mặc Kỳ Lạc khuyên giải mãi mới thôi.

Mã sóc vô song, Hạng Vũ tái thế

Cuối thời Bắc Ngụy, kỵ binh người Hồ của họ Nhĩ Chu không có đối thủ. Cao Ngao Tào ở Lạc Dương phá Nhĩ Chu Thế Long, ở Tín Đô đuổi Nhĩ Chu Vũ Sinh. Khi ấy, Cao Ngao Tào cưỡi ngựa đánh sóc tuyệt vời, không ai địch nổi, người đương thời xưng ông là Hạng Vũ tái thế.

Trong trận Hàn Lăng, vào lúc quân Cao Hoan núng thế, Cao Ngao Tào đưa hơn ngàn người đón đánh mạnh mẽ, cắt đôi quân địch. Nếu không có ông, trận ấy Cao Hoan phải chịu thất bại là chắc chắn.

Bấy giờ người Tiên Ti xem thường người Hán, chỉ khiếp sợ một mình Cao Ngao Tào. Cao Hoan ban bố hiệu lệnh cho bộ hạ, thường dùng tiếng Tiên Ti, nhưng chỉ cần Ngao Tào có mặt trong quân, lại đổi sang dùng tiếng Hán. Có một lần ông đến phủ thừa tướng, lính gác cửa không cho vào, ông liền giương cung bắn chết anh ta, Cao Hoan biết mà không hỏi.

Lúc Cao Ngao Tào vây Thượng Lạc, vì trúng tên lạc bị trọng thương, nói với bộ hạ: "Ta đem thân báo quốc, chết không ân hận, chỉ đáng tiếc rằng, không được nhìn thấy Quý Thức làm thứ sử." Sau này Cao Hoan biết được, lập tức phong Cao Quý Thức làm Tế Châu thứ sử.